So với các HTX nông nghiệp khác trên địa bàn Tp.HCM, HTX Tân Đức còn rất non trẻ, thành lập vào tháng 4-2016, nhưng lại có nhiều ưu thế. Trước hết, trong 7 xã viên sáng lập thì đã có tới 6 người có chuyên môn về nông nghiệp, với một thạc sĩ, ba kỹ sư và hai trung cấp các chuyên ngành nông nghiệp, trong đó có 5 người có chuyên ngành trồng trọt, chỉ còn lại một người là có bằng trung cấp thú y. Tiếp đó, phần lớn các thành viên HTX đều đứng tuổi, người nhỏ nhất cũng đã 36 tuổi, và đã làm việc nhiều năm nên đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Kỹ sư trồng trọt Trần Thị Phải (người phụ trách vườn rau mầm của HTX) cho biết: Trước khi tham gia HTX Tân Đức, gia đình tôi đã có cơ sở sản xuất rau mầm an toàn nhiều năm rồi, rau mầm của tôi đã bán vào được một số hệ thống siêu thị của nước ngoài. Do vậy, khi thấy nếu vào HTX sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa trong phát triển, nhất là đầu ra cho sản phẩm, nên tôi quyết định rủ rê bạn bè cùng tham gia. Còn Giám đốc HTX Ngô Văn Đức chia sẻ: Điểm đặc biệt ở HTX Tân Đức là ai cũng có đam mê ngành nông nghiệp. Thành viên nào cũng phải “xắn tay áo” vào công việc, và HTX cũng không chấp nhận xã viên nào gửi vốn để kiếm lợi nhuận…
Với trụ sở và chi nhánh 1 ở phường Tân Phú (quận 9), HTX đã thuê một khu đất rộng khoảng 500 m2, xây lắp 2 nhà lưới và một nhà sơ chế rau. Ở nơi đây, HTX trồng rau mầm (rau cải mầm và rau muống mầm). Kỹ sư Trần Thị Phải cho biết: Nhờ có kinh nghiệm nên HTX tự thiết kế và xây lắp nhà lưới, xưởng sơ chế, chỉ nhờ Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM) hỗ trợ, hướng dẫn thêm về kỹ thuật canh tác đạt chuẩn theo quy trình VietGAP. Nhờ có nhà lưới, HTX có thể sản xuất liên tục, không phụ thuộc thời tiết. Thời gian đầu, việc tiêu thụ rau của HTX cũng rất gian truân. Siêu thị đòi hỏi nhiều thứ, trong đó có chứng nhận VietGAP, rồi rau không được mang tên HTX mà phải được dán nhãn thương hiệu riêng của siêu thị… Sau một thời gian, nhờ uy tín ngày càng tăng nên HTX đã có được thương hiệu riêng cho các sản phẩm rau do mình làm ra. Hiện nay, mỗi ngày HTX cung ứng từ 50 kg đến 60 kg rau mầm nhưng vẫn không đáp ứng đủ khối lượng rau các siêu thị mong muốn. Bên cạnh rau mầm, sản phẩm có khối lượng lớn nhất của HTX Tân Đức là các loại rau ăn lá. HTX đã thuê khoảng 9.000 m2 và 6.000 m2 đất ở hai xã Trung An và Tân An Hội (huyện Củ Chi) để trồng các loại rau ăn lá như cải bẹ, cải thìa, cải ngọt, mồng tơi, rau muống, rau dền, bầu, bí… Ở hai địa điểm này, HTX đã xây dựng nhà lưới, nhà sơ chế hiện đại, khu xử lý rác thải và nuôi trùn quế (để lấy phân bón), nhà lưu trú cho công nhân… Anh Ngô Văn Đức cho biết: Cơ sở vật chất được bắt đầu xây dựng vào tháng 7-2016. Mỗi nhà lưới rộng hơn 3.000 m2, nhà sơ chế rộng hơn 70 m2, nhà kho rộng 50 m2, khu xử lý rác thải và sản xuất phân từ trùn quế rộng 100 m2... HTX được nhà nước hỗ trợ (cho) 100 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu và hỗ trợ 30% chi phí đầu tư nhà lưới… Đến tháng 12 cùng năm 2016, HTX đã thu hoạch lứa rau ăn lá đầu tiên. Đến nay, mỗi ngày HTX cung ứng khoảng 100 kg rau ăn lá các loại cho một số siêu thị nước ngoài. Tuy vậy, sản lượng rau như trên cũng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thu mua của các siêu thị.
Về quy trình canh tác, không những tuân thủ và đã được chứng nhận VietGAP, HTX Tân Đức còn chú trọng tiến đến sản xuất hữu cơ hoàn toàn. Các loại rau được trồng trên “nền đất” là tro, trấu, xơ dừa… Phân bón thì sử dụng các loại phân chuồng và phân trùn quế. Để giảm chi phí, HTX còn tận dụng xơ dừa trồng rau mầm ở chi nhánh 1 (quận 9), sau một lứa rau mầm thì xơ dừa đã thải hồi được vận chuyển lên Củ Chi, pha trộn với các nguyên liệu hữu cơ khác rồi trồng rau ăn lá… Dù rau được trồng trong nhà lưới rất kín kẽ nhưng đề phòng trừ sâu bệnh, HTX cũng bố trí công nhân trực tiếp dùng tay bắt sâu bọ trên cây rau vào ban đêm… Để “giữ chân” công nhân, ngoài mức lương bình quân hơn 4 triệu/tháng (HTX đóng bảo hiểm xã hội, BHYT cho nhân công), HTX còn xây nhà lưu trú bên cạnh khu vực trồng rau và cho công nhân ở miễn phí.
Hiện tại, HTX đang xúc tiến các thủ tục cũng như tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng diện tích canh tác, gia tăng sản lượng rau sạch nhằm có thể đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng là một số siêu thị nước ngoài. Anh Đức tâm sự: Quỹ đất canh tác thì HTX có thể sắp xếp được chứ khó khăn nhất để mở rộng sản xuất vẫn là nguồn vốn và nguồn nhân lực. Đặc biệt, được sự ủng hộ của ngành nông nghiệp và huyện Củ Chi, HTX Tân Đức cũng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để có thể triển khai xây dựng một trung tâm sơ chế rau hiện đại tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi). Đây là mô hình mới, vừa lo việc hướng dẫn bà con nông dân trong khu vực tiếp cận và áp dụng kỹ thuật canh tác rau sạch, đạt chuẩn VietGAP, vừa kiểm nghiệm, thu mua, đóng gói và là đầu mối phân phối rau. Với trung tâm này, người nông dân không tham gia HTX vẫn có thể bán được rau với sản lượng ổn định và giá cả hợp lý, miễn là chịu trồng rau sạch theo quy trình VietGAP.
Kỹ sư Trần Thị Phải đang chăm sóc vườn rau mầm