Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 diễn ra ngày 15/02 tại trụ sở Chính phủ
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển. HTX ở nước ta được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các HTX đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Để KTTT phát triển năng động, hiệu quả, bền vững và thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Cụ thể 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Thông báo số 67/TB-VPCP như sau:
Một là: Nhận thức sâu sắc chủ trương, định hướng, vai trò, vị trí của KTTT là một thành phần kinh tế quan trọng, không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường đa thành phần, đa sở hữu, định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển KTTT, HTX. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình mới và thực tiễn Việt Nam.
Hai là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương.
Ba là: Nghiên cứu, hỗ trợ ứng dụng sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức cho phát triển KTTT, HTX.
Bốn là: Huy động mọi nguồn lực cho phát triển KTTT, HTX, đẩy mạnh hợp tác công - tư.
Năm là: Xây dựng mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của nước ta, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Sáu là: Tạo cạnh tranh lành mạnh, gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm.
Bảy là: Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu các sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh của từng khu vực, vùng miền; quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng địa phương, từng sản phẩm và quy mô, thị trường.
Tám là: Nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia KTTT, HTX, chuẩn hóa các chức danh quản lý trong HTX (giám đốc, kế toán, kiểm soát).