Trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác thành phố Hồ Chí Minh tại Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 3.
Thành lập cuối năm 2018 với 13 thành viên, Hợp tác xã sản xuất-thương mại dịch vụ rau sạch Nên Ăn (Hợp tác xã rau sạch Nên Ăn), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh chuyên sản xuất rau cải xanh baby, rau ăn phở, rau mồng tơi, rau muống... trên diện tích 2.000m2. Sau ba năm xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, đến nay, thương hiệu các loại rau của Hợp tác xã rau sạch Nên Ăn đã dần được khẳng định trên thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Để làm được điều này, hợp tác xã luôn chú trọng kiểm tra chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình VietGAP hướng hữu cơ, công bố công khai quy trình và địa điểm sản xuất, nhất là truy xuất nguồn gốc rõ ràng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hợp tác xã luôn sẵn sàng đưa khách hàng tham quan, kiểm tra tận nơi sản xuất các loại rau của hợp tác xã nếu đối tác yêu cầu. Tạo cho mình hướng đi bền vững, Hợp tác xã rau sạch Nên Ăn đã đầu tư quỹ đất, máy móc, trang thiết bị công nghệ cao, nhà màng, vật tư nông nghiệp… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, sản phẩm chính của hợp tác xã là rau baby, ưu điểm vượt trội khi trồng rau baby là thu hoạch rau trước khi bị sâu hại tấn công là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên, vừa có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm rau baby của hợp tác xã được tiêu thụ mạnh tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận... Theo ông Nguyễn Hữu Khoa, Giám đốc Hợp tác xã rau sạch Nên Ăn, ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã xác định hoạt động theo chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ để bảo đảm chất lượng sản phẩm và đầu ra ổn định. Hai năm vừa qua, hợp tác xã đã đẩy mạnh đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất áp dụng khoa học-công nghệ. Rau được trồng trong nhà lưới thực hiện đầy đủ quy trình theo tiêu chí VietGAP, thực hiện theo chuỗi giá trị sản phẩm rau, củ, quả từ khâu sản xuất giống đến người tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 113 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 2.438 thành viên. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng và hiệu quả của các hợp tác xã nông nghiệp cũng có nhiều đổi mới so với trước đây. Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại tốt, khá đạt 72%; tổng số vốn hoạt động của 113 hợp tác xã gần 366 tỷ đồng (hơn 3,2 tỷ đồng/hợp tác xã). Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ phát huy nội lực của các hợp tác xã, chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển hoạt động các hợp tác xã ở thành phố. Trong đó, phải kể đến các chính sách như là "đòn bẩy" về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nguồn nhân lực, chính sách tài chính tín dụng, chính sách hỗ trợ về khoa học-công nghệ, chính sách hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã... Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất ban đầu, vốn điều lệ tuy có tăng trong thời gian gần đây nhưng còn hạn chế do vốn góp của thành viên còn thấp, các hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng bởi không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản thế chấp nhưng tổ chức tín dụng định giá đất thấp (nhất là đất nông nghiệp)... Chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã nông nghiệp chưa cao, kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh chưa nhiều, ít được đào tạo. Tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, chưa nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh, thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của hợp tác xã...
Để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2025. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể cả chiều rộng và chiều sâu. Tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố như rau các loại, hoa kiểng, cá cảnh… theo hình thức hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra.
Theo nhandan.vn