Với yêu cầu của giai đoạn mới sau khi đất nước thống nhất, ngày 20-12-1976, HTX Tân Tiến ra đời với nhằm tiêu thụ hàng hóa. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Sê nhớ lại: Lúc đó HTX có nhiệm vụ nhận hàng hóa của ngành thương nghiệp về phân phối lại cho người dân theo tiêu chuẩn tem-phiếu thời bao cấp. Thời đó, kinh tế tập thể chú trọng công tác phục vụ, không đề cao hiệu quả kinh doanh. Nhân viên HTX bán hàng cả ngày, chiều tối mới kiểm kê lại hàng hóa, tổng hợp thu-chi, làm báo cáo, nộp tiền cho kế toán và thủ quỹ để sáng hôm sau giao tiền cho bên thương nghiệp. Quy trình làm việc này khá lỏng lẻo, nên nguy cơ bị chiếm dụng tiền bán hàng rất lớn. Hồi đó, đã có nhiều người chiếm dụng tiền rồi vượt biên. Do thực trạng quản lý sơ hở và yếu kém như vậy nên giai đoạn 1976-1985 HTX đã thay hết 5 Giám đốc vì năng lực quản lý và điều hành yếu.
Từ cuối năm 1986, HTX bắt đầu có bước chuyển mình sau khi đất nước thực hiện đổi mới. Cũng trong năm này, HTX tiến hành đại hội và đổi sang HTX mua bán. Đồng thời, sau gần 10 năm làm phó Giám đốc kiêm phụ trách công tác tài vụ, Nguyễn Văn Sê được bầu làm Giám đốc HTX. Lúc này, tuy có nhiều thuận lợi như có cơ sở vật chất và nhân sự đầy đủ nhưng HTX lại gặp khó khăn về nguồn vốn kinh doanh. Các mặt bằng đều được quận cấp cho HTX sử dụng nhưng không có tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu nên HTX không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn, còn đi vay bên ngoài thì không ai dám cho HTX vay! Trong khi đó, việc kinh doanh của HTX cũng không thuận lợi, lợi nhuận từ kinh doanh chất đốt (củi, than, dầu hôi…) và cửa hàng bách hóa không đáng kể, gần như chỉ đủ trang trải chi phí. Việc kinh doanh duy trì được là nhờ HTX có nguồn vốn tích lũy được hơn 100 triệu đồng trước kia; và cũng may mắn là được các bạn hàng tin tưởng, cho HTX lấy hàng bán trước, trả tiền sau… Vì HTX kinh doanh không có hiệu quả, lương chỉ có mấy trăm ngàn đồng/tháng nên nhiều thành viên, nhân viên của HTX phải làm thêm mới đủ sống, nhiều thành viên rời khỏi HTX, giai đoạn 1986-1992 HTX chỉ còn có 7 thành viên.
Từ năm 1993, HTX có sự chuyển biến ban đầu, được củng cố, góp vốn thêm, được gần 300 triệu vốn góp và vốn tích lũy. Trong năm 1995, HTX mở hướng làm ăn mới khi kinh doanh quán lẩu dê bình dân với quán lá đơn sơ trên đường Lũy Bán Bích (hiện nay) với mặt bằng hơn 600 m2 được quận cho thuê; đồng thời quản lý và khai thác chợ Hiệp Tân. Cột mốc quan trọng là năm 1997, HTX tiến hành đại hội và hoạt động theo Luật HTX mới. Lúc này, HTX làm ăn ngày càng hiệu quả, kết quả kinh doanh khá lên nên số thành viên đã tăng lên 40 thành viên, có thành viên không nhận lãi hằng năm mà góp tiếp vào, nên vốn góp và tài sản của HTX tăng dần lên. Nhờ vậy, qua năm 1998, HTX quyết định đầu tư nâng cấp quán lẩu dê bình dân lên nhà hàng. Đến năm 2003, HTX lại đầu tư lớn hơn nữa vào mảng dịch vụ nhà hàng khi mở công ty TNHH một thành viên nhà hàng sân vườn 72 (trực thuộc HTX). Từ đó đến nay cơ sở vật chất của nhà hàng này ngày càng được đầu tư thêm, khang trang hơn để hấp dẫn thực khách trong vùng. Còn về mảng khai thác chợ, nhờ khai thác hiệu quả chợ Hiệp Tân nên từ năm 2001 HTX được UBND quận Tân Phú giao quản lý và khai thác thêm chợ Tân Hương. Những năm gần đây (từ năm 2013), với hợp đồng khai thác chợ với HTX, quận không tăng mức thu (mức nộp ngân sách) của hai chợ nữa, do tình hình kinh doanh chợ truyền thống ngày càng khó khăn trước sức ép của các loại hình bán lẻ hiện đại. Do vậy, trừ mức khoán nộp ngân sách và các khoản khác cũng như chi phí quản lý, mỗi chợ cho lợi nhuận bình quân khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Một góc chợ Hiệp Tân (do Hợp tác xã Tân Tiến đang quản lý và khai thác)
Hiện nay, ngoài kinh doanh nhà hàng, khai thác chợ, HTX Tân Tiến còn kinh doanh dịch vụ vi tính (photocopy, in) và đại lý bia. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Sê chia sẻ: Năm 2015 HTX chia lãi với tỷ lệ khoảng 19% vốn góp. Năm 2016 này có thấp hơn chút đỉnh, do áp dụng những quy định mới và nhiều yếu tố khách quan như lương tăng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tăng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Theo ông Sê, dù đại lý bia cho doanh thu lớn nhất nhưng lợi nhuận không nhiều bằng các dịch vụ khác như khai thác chợ, nhà hàng. Vì vậy, cùng với những bài học trong quá khứ, ông Sê cho rằng kinh tế tập thể ở TPHCM nên tập trung làm dịch vụ là hiệu quả nhất. Muốn làm tốt mảng dịch vụ thì cần chú trọng phương thức kinh doanh và quản lý. Phương thức kinh doanh phải làm tăng tính tự chịu trách nhiệm của nhân viên, hướng đến phương thức “ăn chia” giữa nhân viên và HTX, khoán doanh số cho nhân viên. Giữa nhân viên và HTX không còn đơn thuần là quan hệ giữa người sử dụng lao động (thuê) và người lao động (làm thuê) nữa mà là sự hợp tác để cùng có lợi, cùng tồn tại và phát triển. Còn quản lý phải chặt chẽ, hạn chế thất thoát hàng hóa, kiểm soát được chi phí, khuyến khích người lao động gia tăng năng suất lao động… Vì thế, trong thời gian tới, HTX Tân Tiến sẽ củng cố nhân sự theo hướng tinh giảm nhân sự, tăng việc làm cho nhân viên, từ đó tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên và người lao động nói chung.
HOÀNG LIÊM