Ra đời và đi vào hoạt động từ đầu năm 1982, đến nay, sau hơn 30 năm, HTX sản xuất cơ khí gia dụng Hợp Tiến (HTX Hợp Tiến, quận 10) vẫn tăng trưởng ổn định và giữ vững được thương hiệu nhờ những thành viên chủ chốt đều là “dân trong nghề”. Giám đốc HTX Hợp Tiến, ông Đỗ Tấn Hồng nhớ lại: Dù lúc đó tôi chưa tới 30 tuổi nhưng nhờ từng là thợ cơ khí lành nghề nên được anh em tin tưởng bầu chọn làm chủ nhiệm HTX… Lúc đầu, HTX chỉ có mười mấy thành viên, đều là những người làm việc trong ngành cơ khí, có tâm huyết với nghề. Lúc đó, kinh tế tập thể được ưu tiên nên trong quá trình hoạt động HTX cũng gặp khá nhiều thuận lợi, như được thuê một căn nhà khá rộng, nằm ở mặt tiền đường Vĩnh Viễn để làm trụ sở và nhà xưởng… Những năm đầu, thời bao cấp, HTX gia công khung, niềng xe đạp, cung cấp cho các đơn vị sản xuất xe đạp lớn của TPHCM và cả nước lúc bấy giờ. Sau thời đổi mới, xe đạp hết thời, trong khi thị trường xây dựng nhà ở phát triển, nhu cầu đồ gia dụng cao nên HTX chuyển qua làm bàn, ghế, khung thép, cũng có làm sản phẩm bàn, ghế hoàn chỉnh. Sau đó, do thị trường bão hòa, cạnh tranh nhiều, HTX lại chuyển hướng qua làm những sản phẩm chuyên dụng là những phụ liệu đồ gỗ. Những sản phẩm này được cung ứng cho một công ty Nhật Bản (có nhà máy ở quận 12 và Bình Dương).
Anh Hồng cho biết: Quá trình hợp tác với công ty Nhật Bản này cũng không bằng phẳng. Lúc đó, nhờ một người đang làm việc ở công ty này giới thiệu, HTX làm quen được ông chủ người Nhật Bản của công ty. Thế nhưng, suốt hai năm trời họ chỉ dừng lại ở công đoạn tìm hiểu, theo dõi mình. Năm nào qua Việt Nam ông chủ người Nhật bản cũng đến ghé thăm HTX nhưng không ký kết gì hết, họ đến chỉ để xem mình hoạt động, làm việc ra sao thôi… Mãi đến 1994 họ mới đặt mua một số mặt hàng. Sau đó, họ tăng dần số lượng và chủng loại sản phẩm lên và công ty này cũng gắn bó, trở thành khách hàng thân thiết của HTX Hợp Tiến từ đó đến nay. Anh Hồng tâm sự: Người Nhật Bản rất khó tính và nguyên tắc, mình phải làm việc có uy tín thì họ mới hợp tác với mình. Tuy vậy, họ cũng rất tình cảm, không để mình chịu thiệt thòi. Hợp đồng mua hàng được ký kết từ đầu năm, đến giữa hoặc cuối năm giá vật tư tăng cao thì HTX đành chịu lỗ, nhưng qua năm tới thì họ sẽ bù đắp lại cho mình với giá mua hàng cao hơn… Vài năm gần đây, HTX còn có thêm một khách hàng nữa là một công ty có vốn đầu tư từ Mỹ. Hiện doanh số bán sản phẩm của HTX có được từ hai đối tác nói trên là gần như ngang nhau.
Sau nhiều thăng trầm, trải qua nhiều lần chuyển đổi, thay đổi số thành viên, hiện HTX Hợp Tiến có 12 thành viên và 12 lao động, mỗi năm các thành viên được chia lợi nhuận bình quân khoảng 15%-20% vốn góp, còn các lao động có mức thu nhập dao động từ 4,5 triệu đồng/người đến 9 triệu đồng/người (tùy vị trí). Ngoài lợi nhuận được chia, các thành viên còn có lương, tùy trách nhiệm. Bên cạnh đó, từ hơn 10 năm nay HTX còn có một nhà xưởng rộng khoảng 1.000 m2 ở Tân Uyên (Bình Dương), là nơi sản xuất sản phẩm ban đầu, còn căn nhà xưởng ở đường Vĩnh Viễn (quận 10) là nơi hoàn thiện cuối cùng, đóng gói sản phẩm và giao hàng. Nhờ đơn hàng ổn định, năm 2015 vừa qua, doanh thu của HTX đạt hơn 12 tỷ đồng, năm 2016 này dự kiến sẽ cao hơn, mức lợi nhuận cũng đạt khoảng 15% doanh thu. Anh Hồng chia sẻ: Dù HTX sản xuất mặt hàng đặc thù, không đi ra thị trường được nhưng các thành viên không lo vì anh em đều là dân cơ khí lành nghề, lại được đào tạo thêm về quản trị kinh doanh, biết giữ uy tín, mình cũng không có đối thủ cạnh tranh nên HTX rất yên tâm về hướng phát triển… Hiện HTX đang chờ quận 10 làm thủ tục để được mua lại căn nhà gắn bó hơn 30 năm trên đường Vĩnh Viễn, cải thiện hơn nữa phúc lợi của người lao động…
Giám đốc HTX Hợp Tiến - ông Đỗ Tấn Hồng hướng dẫn một người thợ gia công, hoàn thiện sản phẩm
HOÀNG LIÊM